“Con nhờ phúc bố”: 6 điều bố phải nhớ để tạo nên những đứa trẻ kiên cường, sớm thành đạt

todattn

Updated on:

Con nhờ phúc bố, bố sống làm sao mà con được hưởng lây cái sự chăm chỉ, không ngại khó, sau này ra đường không lo đói.

Không bố nào muốn mình có đứa con lười biếng, nhưng dạy làm sao để con chăm chỉ, không né tránh khi gặp khó khăn mới là vấn đề. Để làm được điều này, chính bố phải làm gương cho con.

1. Ít phàn nàn về công việc

Theo Tiến sĩ Dabney, nhà là nơi thoải mái trút bỏ phiền muộn nhưng nhà không phải là nơi để các bố phàn nàn về công việc.

Để làm gương cho con về sự chăm chỉ, các bố hãy thể hiện bản thân cũng chăm chỉ, chịu khó trong công việc, đi làm bởi sự hào hứng và thú vị, dù bản thân bên ngoài nhiều lúc cũng chẳng hào hứng bao nhiêu.

Một khi phàn nàn về công việc trước mặt con, con sẽ bị lây năng lượng tiêu cực từ bố, cũng dễ chán nản, hay than phiền và lười biếng, trốn việc mỗi khi gặp khó khăn.

2. Để cho con tự cố gắng

Sà vào giúp đỡ ngay khi con có dấu hiệu khó khăn không phải là điều các ông bố thông thái sẽ làm. Để con tự cố gắng hoàn thành một việc nào đó chính là rèn luyện tính chăm chỉ, nhẫn nại, kiên trì cho con.

Bố sẽ không tùy tiện làm thay việc cho con, cũng không để con ỷ lại vào bố. Ngược lại bố sẽ quan sát quá trình con cố gắng, ghi nhận nỗ lực và kịp thời khen ngợi, khẳng định con, khích lệ tinh thần cho con.

3. Không ra lệnh, thúc ép

Ra lệnh, thúc ép sẽ khiến con cảm thấy con đang phải làm việc theo ý bố, hoàn toàn không có trách nhiệm với chính bản thân mình. Đôi khi những việc như làm bài tập về nhà, dọn đồ chơi, dọn bàn ăn là nhiệm vụ của con, con phải tự ý thức và tự làm.

Với những ông bố biết cách dạy con, sẽ cho con tự lập thời gian biểu, sắp xếp công việc của bản thân và tự hoàn thành. Đây là cách để con tự lập sớm, cũng là một cách để con rèn tính chăm chỉ, thấy việc sẽ tự động tay vào làm, không chờ nhắc nhở.

4. Tôn trọng tính khí và sở thích của con cái

Chăm chỉ của con cái không phải được đo bằng tiêu chuẩn của riêng bố, còn tùy vào tính khí và sở thích của con. Đừng vì con mê tập đàn mà bỏ học toán là vội mắng con lười biếng. Cũng đừng vì thấy con đang chơi đùa mà cho là con trốn làm bài.

Chăm chỉ phải phù hợp lứa tuổi, sở thích, do đó, một ông bố biết tôn trọng con, nhìn thấy được những năng khiếu của con, thế mạnh của con, giúp con hứng thú theo đuổi mới là bố tốt. Trẻ con sẽ chăm chỉ và hứng thú khi được làm điều mình muốn. Còn nếu ép con chăm chỉ theo con đường bố vạch ra, con kháng cự, không làm theo thì đó không phải là lười biếng.

5. Giúp đỡ con một cách đúng đắn

Không phải cứ để con chăm chỉ làm việc là bố buông tay bỏ mặc. Bố phải ở bên quan sát và hỗ trợ phía sau. Những đứa trẻ có bố đồng hành, cùng thực hiện công việc, ước mơ sẽ có nhiều động lực để cố gắng hơn.

Nếu bỏ mặc con, để con rơi vào khó khăn, thất vọng vì chăm chỉ nhưng không thành công sẽ khiến đứa trẻ sinh trầm cảm, tự ti, nhụt chí. Từ đó buông bỏ tất cả, không còn muốn chăm chỉ nỗ lực nữa.

6. Chăm chỉ cần rèn luyện trong một quá trình

Dù là đức tính nào thì cũng cần rèn luyện trong một quá trình, không thể có ngay một sớm một chiều. Chăm chỉ cũng vậy, để rèn tính tự giác, kiên trì cho trẻ nhỏ đòi hỏi cần rất nhiều thời gian.

Trong gia đình, nếu bố là người kiên nhẫn, dạy con từng ngày, từng chút một thì con sẽ học được sự chăm chỉ này. Nói cách khác bố chăm chỉ dạy con chăm chỉ, bố kiên nhẫn dạy, con dần sẽ học được.

Leave a Comment