Người cao minh không tranh đua với đời, thong dong tự tại sống trọn một kiếp an sinh

todattn

Người xưa thường giảng về hàm dưỡng, tích đức hành thiện, người tu luyện thường đàm luận đến tu tâm, đề cao cảnh giới tư tưởng, tâm tính. Một người cao minh có tấm lòng quảng đại bao dung, sẽ không dễ nổi nóng, tức giận, mà có thể nhẫn nại, khi đối mặt với bất kể chuyện gì cũng đều có thể ức chế bản thân mình được vững, cũng không vì một chút lợi ích nhỏ nhoi trước mắt mà xảy ra tranh đấu, sinh tâm oán hận.

Một người nếu trải qua tu dưỡng, rèn luyện mà có được tâm thái an hòa tĩnh tại, ở bất kể hoàn cảnh nào cũng có thể cư xử cao thượng, nhẫn nhịn người khác, có thể nhất thời khiến bản thân có chút tổn thất về vật chất, nhưng quả thực, thứ mất đó không đáng là bao so với những gì bản thân nhận lại được.

Kẻ tiểu nhân đức hạnh không cao sẽ ắt sẽ chỉ vì chút lợi nhỏ trước mắt mà quên cả lễ nghĩa, giành dật, tranh đấu đến cùng.

Con người ta nếu tấm lòng quảng đại bao dung, không tranh với đời, với người, giống như biển rộng bao la, vui vẻ đón nhận trăm sông, giống như núi cao đứng sừng sững giữa đất trời, thì cuộc sống của họ sẽ luôn thong dong tự tại.

1. Vợ chồng bất hòa vì tranh luận phải trái, đúng sai

Trong cuộc sống hôn nhân, chúng ta thường xuyên thấy cảnh người vợ vì áp lực nuôi dạy con cái, không thuận lợi trong công việc liền “giận cá chém thớt”, phát sinh mâu thuẫn, cáu giận với người chồng. Người chồng vì thể diện của bản thân mà trước mặt bạn bè, người ngoài liền mặt cau mày co, lớn tiếng nặng nhẹ với vợ.

Kì thực, khi vợ hoặc chồng trong gia đình phạm chút lỗi hoặc làm chuyện gì đó sai trái mà không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến toàn cục thì đừng nên so đo, tính toán, vì chút khẩu khí mà sinh ra bất hòa. Lúc bấy giờ, nếu như một trong hai có thể “một mắt nhắm, một mắt mở” mà bỏ qua cho đối phương, thì khi đó, bạn không phải là người yếu đuối hay không có bản lĩnh, mà điều đó nói lên rằng, bạn là người có tấm lòng khoan dung, độ lượng, có hàm dưỡng.

Người xưa nói: “Tu trăm năm mới chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”, đã là một đôi, một cặp, có duyên kết vợ chồng ở kiếp này thì nên trân quý nhau muôn phần. Hai người cùng nhau học cách đối diện với sai lầm và khuyết điểm của đối phương, giúp nhau hoàn thiện bản thân và tự hoàn thiện mình, đó mới chính là cách cư xử thông tuệ nhất để xây dựng nên một gia đình hạnh phúc.

2. Con bất hòa với cha mẹ vì quan điểm sống bất đồng

Trên thế giới này không có một ai là phải có nghĩa vụ đối xử tốt với bạn cả, ngoại trừ cha mẹ. Chỉ có cha mẹ mới có thể không so đo, tính toán đến sự báo đáp mà luôn yêu thương chăm sóc chúng ta vô điều kiện mà thôi.

Khi cha mẹ nhắc nhở chúng ta, “trời lạnh rồi nhớ mặc thêm áo ấm”, “thời gian muộn rồi nên ngủ sớm đi thôi”, đừng tranh luận với cha mẹ rằng chỗ của bạn ấm áp như thế nào, ánh mặt trời rực rỡ ra làm sao, và cảm thấy khó chịu với sự quan tâm “thái quá” của họ. Những lời nhắc nhở ấy chẳng qua chỉ là vì lo lắng quan tâm đến chúng ta, sợ chúng ta lâm bệnh, sợ chúng ta mệt mỏi khi không có cha mẹ ở bên chăm sóc mà thôi.

Khi cha mẹ căn dặn chúng ta phải biết tiết kiệm và chi tiêu một cách hợp lý, đừng trách cha mẹ là những “kẻ nô lệ của đồng tiền”, đừng tranh luận rằng tiền mình làm ra được thì mình có quyền chi tiêu. Cha mẹ làm như vậy chỉ là vì muốn chúng ta có xây dựng một thói quen tốt mà thôi.

Có đôi khi, sự lo lắng của cha mẹ tưởng chừng là vô căn cứ, sự quan tâm của cha mẹ là “không cần thiết” và đôi khi có chút” phiền phức” nhưng cha mẹ làm như vậy hết thảy đều là vì mong con cái có cuộc sống tốt sau này.

3. Bạn bè bất hòa vì tranh giành cao thấp, so đo tính toán

Người xưa có câu: “Vàng bạc dễ được, tri kỷ khó tìm“, cho nên đừng bao giờ tranh cao thấp, so đo tính toán với bạn bè. Bạn bè đến với nhau là bởi vì có duyên mà ngàn dặm mới quen nhau, vì chí hướng hợp nhau, tâm hồn đồng điệu nên mới hiểu nhau.

Có thể công việc của chúng ta không cao sang bằng của bạn, tiền lương không nhiều như của bạn, nơi công tác không nổi danh như của bạn nhưng phải nhớ rằng, công việc là không có phân chia cao thấp, lao động là không có phân biệt giá trị, mỗi công việc đều có ý nghĩa và sứ mệnh của nó. Có thể làm tốt công việc bằng chính sức lao động của bản thân mình thì chúng ta cũng đã được xem là một chuyên gia rồi.

Có thể nhà chúng ta ở diện tích không rộng bằng nhà của bạn. Nhưng suy cho cùng cũng đâu có vấn đề gì? Sự ấm áp trong căn nhà không phải được quyết định bằng diện tích lớn hay nhỏ, đắt hay rẻ mà nơi nào có sự yêu thương thì nơi đó sẽ là tổ ấm, nơi nào có sự bao dung, cảm thông thì nơi đó sẽ luôn ngập tràn tiếng cười.

Trong xã hội hiện đại như ngày nay, người ta thường cho rằng những người không biết tranh giành lợi ích, địa vị, tiền tài vật chất thì là người ngu ngốc, nhu nhược, không biết phấn đấu.

Nhưng người xưa tin rằng, “có đức mặc sức mà ăn”, những thứ mà con người đạt được trong đời này là do phúc báo của họ tích lại từ đời trước, nếu tranh giành chỉ làm tổn hại đến người khác và tổn đức của bản thân mà thôi.

Tâm an lạc là phúc khí tốt nhất của đời người, người không tranh sẽ tự nhiên ung dung, thản đãng. Người không so đo, tính toán sẽ thường vui vẻ, hòa ái trong tâm. Bởi vậy người xưa thường nói, người cao minh không tranh đua với đời, mới có thể thong dong tự tại hưởng trọn một kiếp an sinh.

Leave a Comment