Nỗi niềᴍ củɑ người con xa quê mỗi khi Tết đến – Đọc mà nhớ cha mẹ, nhớ nhà da diết

todattn

Updated on:

Tôi chợt như thấy những cơn gió mang theo hơi ẩm của mùa xuân đất nước vùng nhiệt đới ùa vào, những cơn gió không ào ào mạnh mẽ như ở London, chỉ nhẹ nhàng lướt qua, nhưng cũng đủ để người ta cảm nhận được tiết trời rét ngọt, rét đến cắt da cắt thịt mỗi khi Tết sắp về.

“ Bing… boong, bing… boong “. 12h đêm, tiếng chuông từ một nhà thờ nhỏ. Đêm nào cũng vậy, cứ đến 12h, tiếng chuông lại vang lên, đều đặn, nó khiến tôi tự nhiên thấy buồn, một nỗi buồn mà tôi cũng không hiểu vì sao. Khi tôi còn ở Việt Nam, tôi vẫn hay nghe tiếng chuông nhà thờ, nhưng không phải lúc 12h mà vào lúc 5h sáng. Mỗi khi tiếng chuông dứt, lại một âm thanh quen thuộc: “Dậy đi con, sáng rồi đấy “. Tiếng chuông đó là tiếng chuông của sự khởi đầu một ngày mới, với sự ấm áp yêu thương, với những tiếng cười của con, của bố, của mẹ. Nhưng tiếng chuông hiện giờ là tiếng chuông của màn đêm, nơi con đang một mình đối diện.

Gió thổi bật cánh cửa sổ phòng. Những cơn gió mang theo sự lạnh giá của những cơn bão tuyết ngoài kia. Tôi chợt như thấy những cơn gió mang theo hơi ẩm của mùa xuân đất nước vùng nhiệt đới ùa vào, những cơn gió không ào ào mạnh mẽ như ở London, chỉ nhẹ nhàng lướt qua, nhưng cũng đủ để người ta cảm nhận được tiết trời rét ngọt, rét đến cắt da cắt thịt mỗi khi Tết sắp về. Tôi chợt thèm được dạo quanh phố phường dưới tiết trời này, ngắm vẻ đẹp lung linh, rợp trời cờ hội của những con phố thân quen hàng ngày trong ngày Tết, ngắm những gian hàng Tết bắt mắt với đủ các loại mặt hàng, từ những đặc sản của quê hương tôi đến những mặt hàng truyền thống từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, và quan trọng nhất đó là được cùng đi dạo Tết với bố mẹ, được cùng bố mẹ tự tay chọn những chiếc đèn nhấp nháy đủ màu để trang trí cho chiếc tủ ly trong phòng khách, rồi thì những giỏ phong lan nhỏ nhỏ treo ngoài vườn…

Giai điệu của bản nhạc Nostagly vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Đó là cậu bạn ở khu ký túc xá bên cạnh. Khi cả khu ký túc xá chìm vào màn đêm, đôi lúc chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng đàn của cậu. Nostagly, có nghĩa là nỗi nhớ quê hương, âm thanh này đã bao lần khiến những người con xa quê chúng tôi phải lặng im lắng nghe, để rồi cùng khóc thút thít. Nó như gieo vào lòng chúng tôi một khoảng trống mà không gì lấp được, một nỗi nhớ da diết quê hương, gia đình.

Những ngày giáp Tết này, khoảng trống đó, nỗi nhớ đó càng lớn hơn bao giờ hết. Những mùa Tết trước, chúng tôi được quây quần bên gia đình, nơi có mẹ, có bố, những người yêu thương chúng tôi nhất trên đời, nhưng năm nay, chúng tôi không được hưởng niềm vui đó, niềm vui của đoàn tụ, sum họp gia đình. Bố mẹ chúng tôi vẫn hay gọi điện, hỏi con bên đó có ăn uống đầy đủ không, có khu chợ của người Việt không, có phở không, ngày Tết con có mua được bánh chưng không, có mua được dưa hành không, một chiếc thôi cũng được, cho có cảm giác Tết, cho đỡ nhớ quê, nhớ gia đình, cho đỡ tủi thân khi một mình nơi đất khách lạnh giá đó.

Chúng tôi khóc, bên này đủ hết, con chỉ thiếu mỗi một thứ mà bên này không bao giờ có, đó là mẹ, là bố, là những giây phút đoàn tụ với gia đình, được cùng bố mẹ quây quần bên mâm cơm đêm 30 Tết, được cùng ngắm pháo hoa, được cùng chắp tay trước bàn thờ tổ tiên, cùng khấn cho một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc. Nước mắt tôi trào ra, tôi nhớ những ngày giáp Tết dọn nhà với bố, tôi vẫn kêu ca khi phải làm nhiều quá, phải quét cho sạch bụi các đồ vật rồi mới lau, đồ gỗ khi lau khăn ướt phải lau nhanh tay để tránh hỏng gỗ, lọ hoa phải lau nhẹ nhàng, không được tì tay vào miệng lọ…

Tôi nhớ trọng trách cắt bánh chưng cho thật đẹp để đặt lên bàn thờ tổ tiên, bố vẫn dạy tôi phải đặt chiếc lạt làm sao để khi cắt, chiếc bánh được chia thành các phần đều nhau, chiếc lạt nào đặt trước thì phải rút ra sau, làm thế mới không bị nát nhân bánh chưng. Tôi nhớ những câu chuyện bố mẹ hay kể về Tết thời bao cấp, khi đó chỉ được nghỉ ba ngày thôi, nên Tết là quý lắm, nhưng cũng nhanh lắm, phải tranh thủ từng chút một để vừa đi chơi, lại vừa bên gia đình. Trẻ con hay bày trò ô ăn quan, hay vô số những trò tự nghĩ ra khác…

Bước chân ra ngoài đường, vẫn là sự tấp nập, vội vã của một thành phố công nghiệp hiện đại vào bậc nhất thế giới. Không có thời gian cho chúng tôi để nhớ nhung hay để nghĩ vẩn vơ, nhưng vẫn có những lần chúng tôi phải dừng bước khi thấy những cây thông trên những con đường rộng lớn mà thầm mong nó biến thành một cây quất thật lớn hay một cành đào phai, có lẽ chúng tôi sẽ cảm thấy bớt lạc lõng giữa đường phố phủ đầy tuyết của thành phố sương mù. Thế mới biết, quê hương, gia đình luôn là bến đỗ bình yên nhất của con người. Bỗng tôi lại muốn hát những câu hát quen thuộc từ thời nhỏ:

“Lung linh lung linh tình mẹ tình cha

Lung linh lung linh cùng một mái nhà

Lung linh lung linh cùng buồn cùng vui

Lung linh lung linh hai tiếng gia đình”.

Leave a Comment