3 nỗi thiệt thòi mà trẻ phải chịu đựng khi sống trong gia đình có bố mẹ chia tay

todattn

Nỗi thiệt thòi của đứa trẻ có bố mẹ chia tay tuy trẻ không nói ra nhưng là gánh nặng ám ảnh con suốt cuộc đời.

Ngày nay, quan niệm về hôn nhân có phần thoải mái hơn trước. Nhiều người không còn nặng nề chuyện li dị, hợp thì sống chung, không hợp thì đường ai nấy đi để tìm cơ hội mới mà không nghĩ đến nỗi thiệt thòi của đứa trẻ có có bố mẹ chia tay. Bởi đứa bé trong gia đình ấy mới là người bị tổn thương nhất khi chỉ được quyền sống chung với một người trong số bố mẹ.

Dù người nuôi dưỡng có dành hết tình thương cho em cũng không thể nào bù đắp được khoảng trống thiếu hụt người ra đi để lại. Một số trẻ sẽ “xù gai”, tỏ ra bất cần đời hoặc lún sâu vào những suy nghĩ, hành động tiêu cực để che giấu nỗi tủi thân trong lòng. Nhưng cũng có em trưởng thành sớm, sống có trách nhiệm với bản thân, yêu thương mái ấm không trọn vẹn, chấp nhận nỗi bất hạnh như một vết sẹo không thể xóa trên cơ thể.

Tuy nhiên, dù nỗi đau biểu hiện ở mỗi trẻ khác nhau nhưng không thể phủ nhận những thiệt thòi mà trẻ có bố mẹ li dị phải chịu đựng.

1. Mất đi cơ hội phát triển lành mạnh

Ba mẹ đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách ở trẻ. Trẻ trong gia đình đầy đủ bố mẹ, được “tắm” tình yêu thương dạt dào sẽ luôn suy nghĩ lạc quan và tự tin vào bản thân. Ngược lại, trẻ chẳng may rơi vào cảnh bố mẹ chia tay sẽ mất đi điều kiện cơ bản để phát triển lành mạnh – đó là cơ cấu gia đình đầy đủ. Sự thiếu thốn tình cảm khiến trẻ dễ trở nên bất mãn và nảy sinh suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.

2. Đối mặt với những mối quan hệ gia đình phức tạp

Con cái của gia đình có ba mẹ li dị không chỉ đối mặt với sự tan vỡ tổ ấm mà còn chịu đựng những mối quan hệ gia đình phức tạp. Nguyên nhân là do ba/ mẹ đi bước nữa và cuộc sống của chúng trở nên rối rắm do có thêm những người em mới cùng mẹ khác cha hoặc ngược lại. Điều không hay xảy ra khi đứa trẻ cảm nhận mình bị “bỏ rơi” một lần nữa do ba/ mẹ mải mê xây tổ ấm mới hoặc “người đến sau” không đủ bao dung chấp nhận đứa con chẳng phải ruột rà.

3. Có xu hướng nhạy cảm, dễ tổn thương

Con cái của gia đình bố/ mẹ đơn thân thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã (trước và sau chia tay), những biến động trong gia đình cũng như sự thêm bớt thành viên… Điều này ngăn cản chúng phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Chúng có xu hướng nhạy cảm hơn, trở nên sống nội tâm và luôn mang nỗi tự ti của đứa trẻ bị bỏ rơi. Nếu không nhận được sự quan tâm kịp thời, chúng dễ nổi loạn và trở nên cực đoan.

Mặt khác, chúng phải trưởng thành sớm hơn. Đôi khi, một đứa trẻ phải tự lo hết các nhu cầu cá nhân khi còn rất nhỏ, từ cơm nước, giặt giũ… Thậm chí có bé mới 6, 7 tuổi đầu đã phải bươn chải kiếm sống để lo cho bản thân. Những đứa trẻ phải sớm giấu đi giọt nước mắt tủi cực trong lòng bao giờ cũng đầy nhạy cảm.

Nhạy cảm sớm là một thiệt thòi lớn, tước đi sự vô tư, vui vẻ ở một đứa trẻ. Trong khi những trẻ khác hồn nhiên, vô lo vô nghĩ thì trẻ nhạy cảm luôn chất đầy buồn bã, ưu tư trong lòng.

Nỗi thiệt thòi của đứa trẻ có có bố mẹ chia tay là không thể bủ đắp vì những tổn thương ăn sâu vào lòng trẻ. Vậy nên, ba mẹ hãy trân trọng hôn nhân và suy nghĩ thấu đáo về tình yêu, trách nhiệm trước khi quyết định gắn bó đời mình với ai đó. Bởi chẳng may hôn nhân tan vỡ, con cái mới là người phải chịu đựng nhiều nhất.

Leave a Comment