Họp phụ huynh cho con về, bà mẹ chia sẻ 3 câu chuyện khiến các bậc cha mẹ đều phải giật mình

todattn

Sau mỗi buổi họp phụ huynh, không chỉ là chuyện buồn vui về điểm số, mà sau đó còn là những ưu tư khác.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (Hà Nội) là mẹ của hai cô con gái xinh xắn. Một cô gái là cựu học sinh trường chuyên nổi tiếng ở Hà Nội, vừa tốt nghiệp Đại học Erassmus of Rotterdam- Hà Lan. Cô con gái còn lại đang là học sinh lớp 6.

Trong buổi họp phụ huynh sơ kết học kì 1 của con gái thứ hai, chị đã ghi lại những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” ở lớp và được rất nhiều phụ huynh đồng cảm.

Hôm nay đi họp phụ huynh hết Học kỳ I của gái bé (lớp 6), có đôi điều làm mình khá ngỡ ngàng. Xin kể lên đây để các bố mẹ cùng đọc nhé!

1. Cô giáo bảo, có một vài bạn thường xuyên đi muộn. Cô không quan trọng việc lớp bị chấm điểm thi đua kém nhưng cô thấy thương các con. Mỗi lần đi muộn, khi cả lớp đã ngồi ngay ngắn thì bạn đeo ba lô vào lớp, mọi ánh mắt đều nhìn bạn và bạn cứ cúi gằm mặt xuống. Cô có hỏi chuyện con thì con nói: Hôm nào con cũng dậy sớm, đánh răng rửa mặt, ăn sáng, thay quần áo và ngồi chờ bố con. Bố con hôm nào cũng dậy muộn, con phải gọi mãi bố con mới dậy đưa con đến trường. Mà con là con nên không thể mắng bố con được…

Quá ngạc nhiên vì mình không bao giờ nghĩ nguyên nhân đi muộn của một đứa con lại là do sự lề mề của bố?!
Đi họp phụ huynh cho con về, bà mẹ Hà Nội chia sẻ ngay 3 câu chuyện khiến các bậc cha mẹ đều phải giật mình - Ảnh 1.
“Mình không bao giờ nghĩ nguyên nhân đi muộn của một đứa con lại là do sự lề mề của bố”, chị Nguyên nói. (Ảnh minh họa)

2. Cô giáo kể, không biết các bố mẹ có biết các con lớp 6 là tuổi bắt đầu dậy thì, các con rất dễ tổn thương. Một bạn kể với cô, mẹ con toàn nói xấu con với hàng xóm. Có hôm con thấy mẹ kể xấu con, con đã cãi nhau với mẹ và đêm ấy con đóng cửa phòng khóc cả đêm, chắc mẹ con không biết cô ạ.

Không biết các bố mẹ có thấy việc này quan trọng không? Mình thì thấy đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Cái kiểu “con nhà người ta” tuyệt đối không nên các bố mẹ ạ. Ngày xưa, hồi mình còn bé, mình ngoan ngoãn, học giỏi và cũng thường “được” các bác hàng xóm lôi ra làm gương để mắng chửi các con kiểu “chúng mày xách dép cho nó… nó với mày cùng ăn cơm mà sao mày dốt thế?…

Kết quả là mình bị bọn bạn bằng tuổi trong xóm ghét, cô lập. Những đứa trẻ bị đem ra so sánh thì bị tổn thương và trở nên chống đối, bọn chúng càng nghịch hơn, láo toét hơn khiến bố mẹ chúng suốt ngày đau đầu.

Mỗi đứa trẻ là một cá nhân riêng biệt. Mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn những khả năng mà người khác không có. Không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào nên TUYỆT ĐỐI KHÔNG SO SÁNH con mình với bất cứ bạn nào khác các bố mẹ nhé!

3. Một mẹ ý kiến về việc nghe thấy các con nói chuyện với nhau và nói bậy khủng khiếp. Mẹ đó choáng và đề nghị các bố mẹ răn đe các bạn, cấm các bạn nói bậy. Một mẹ giơ tay kể câu chuyện của chị gái lớn nhà đó. Hồi chị gái học lớp 7, 8 gì đó mẹ cũng phát hiện ra các bạn cùng lớp nói bậy khi chờ đón con cổng trường. Mẹ đó cũng choáng. 

Ngay lập tức, mẹ đó huy động cả ông bà nội ngoại cô dì chú bác mỗi người khuyên răn con một chút về việc nhà mình là gia đình gia giáo, tất tần tật gia tiên tiền tổ bao đời nay không một ai nói bậy. Cho nên con tuyệt đối không bao giờ được học đòi các bạn để nói bậy…

Mẹ đó yên tâm là mình đã làm đúng, chắc chắn con mình không thể nói bậy. Thế rồi, vài tháng sau, vô tình mày mò vào nhóm chat của cô con gái mới tá hỏa, các con nói bậy khủng khiếp, toàn những ký hiệu, đọc không hiểu chat với nhau những gì. Và mẹ đó kết luận: Chuyện nói bậy là chuyện 100% trẻ đều thế. Con mình chẳng khác con nhà người ta, vậy nên chấp nhận thôi.

Đi họp về, mình hỏi con gái về việc nói bậy. Mình kể lại chuyện ở lớp và bảo: Mẹ thì không… choáng, mẹ thấy bình thường. Thỉnh thoảng mẹ cũng thích được nói bậy phát để xả stress. Nhưng bọn con nói bậy những từ gì mà mẹ không biết, kể cho mẹ đi… mẹ thì chỉ mày, tao thôi. 
Đi họp phụ huynh cho con về, bà mẹ Hà Nội chia sẻ ngay 3 câu chuyện khiến các bậc cha mẹ đều phải giật mình - Ảnh 2.
Con gái bảo: “Bọn con cũng chỉ mày, tao với…. vãi thôi. Các bạn nói nhiều từ nữa nhưng con không nói được vì thấy nó… ngượng mồm khi nói”. 

Người mẹ tranh thủ dạy con luôn: “Mà mẹ hỏi con nhé, hôm nọ mẹ con mình ngồi ăn phở, thấy bàn bên cạnh mấy anh chị lớn nói to, nói bậy, mẹ con mình đã thấy rất khó chịu đúng không? 

Vậy nên con nhớ là ở chỗ đông người, những nơi công cộng các con không nên nói bậy nhé. Có lần mẹ điên tiết lắm, gặp chuyện bực mình chỉ ước được ra biển vắng để chửi bậy thật to cho bõ tức”.

Con gái: “Ô. Mẹ ngầu nhỉ? Con chưa bao giờ ước được đi biển chỉ để…. chửi bậy!?”.

Phía dưới câu chuyện của chị Phương Thảo, rất nhiều phụ huynh “giật mình” nhận ra bản thân đôi khi đã phạm phải những sai lầm tương tự.

Một phụ huynh khác chia sẻ: “Chuyện đi học muộn nhà em lúc con đi học lớp 1 cũng bị, tội con vì bố chưa quen dậy giấc đó nên cứ lề mề, làm con bị cờ đỏ ghi tên rồi bắt đứng 1 góc chờ các bạn tập thể dục xong mới được lên lớp. Mẹ xót con nên “mắng” bố mãi để sửa tác phong, nay ổn rồi, vì người lớn mà con bị quở trách là tội nghiệp nhất”.

Nhiều bố mẹ cũng nhận xét, về vấn đề nói tục chửi bậy là chuyện khá phổ biến ở học sinh tuổi teen hiện nay. Việc rèn giũa và dạy dỗ con ở thời kì nhạy cảm này vì thế rất cần bố mẹ sát sao và có phương án mềm dẻo thích hợp.
Đi họp phụ huynh cho con về, bà mẹ Hà Nội chia sẻ ngay 3 câu chuyện khiến các bậc cha mẹ đều phải giật mình - Ảnh 3.
Việc rèn giũa và dạy dỗ con ở tuổi dậy thì rất cần bố mẹ sát sao và có phương án mềm dẻo thích hợp. (Ảnh minh họa)

Nói về quan điểm dạy con, chị Phương Thảo chia sẻ, để gắn kết bố mẹ và các con, bữa tối là lúc tất cả mọi người kể chuyện trong ngày, mình đã đi những đâu, làm những gì, gặp những ai, gặp chuyện gì trên đường.

Con kể chuyện bạn, chuyện cô giáo ở lớp, chuyện linh tinh mà con quan sát được. “Thế rồi dần dần, cả nhà thi nhau nói, cả hai con nhà mình về đến nhà nếu có chuyện gì gấp là ưu tiên kể trước, kể ngay. Cứ như vậy, cả nhà không ai giấu ai chuyện gì hết. Nhà lúc nào cũng như cái chợ nhưng cực vui”.

“Không phải cha mẹ lúc nào cũng đúng, nếu cha mẹ sai sẵn sàng xin lỗi con. Không mang “con nhà người ta” so sánh với con mình và ngược lại. Tuyệt đối không lấy tật xấu của chồng hoặc con ra kể với hàng xóm, nội ngoại. Đã là gia đình thì mọi người đều phải thành thật. Nguyên tắc quan tâm, sẻ chia và vì nhau phải đặt lên hàng đầu”, chị Phương Thảo chia sẻ.

Leave a Comment