Khi bị đột quỵ: Chớ quên 3 việc nên làm và 3 việc cần tránh đối với người bệnh

Thu Hang

Với một người bị đột quỵ, mỗi phút, mỗi giây đều vô cùng quý giá. Bất cứ hành động nào của bạn trong thời điểm bệnh khởi phát đều có ảnh hưởng lớn tới người bệnh.

Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia về những việc bạn nên làm và những việc cần tránh khi đối diện với một người bị đột quỵ. Hãy cùng tìm hiểu!

3 việc cần làm khi thấy người bị đột quỵ

1. Gọi cấp cứu ngay lập tức

Khi thấy một người có những dấu hiệu của đột quỵ, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu. Nhưng làm cách nào để nhận biết những dấu hiệu của đột quỵ? Hãy ghi nhớ công thức FAST do Hiệp hội Đột quỵ Mỹ hướng dẫn:

F (Face) – Mặt: Một bên mặt của người bệnh rủ xuống.

A (Arm) – Cánh tay: Một cánh tay mất kiểm soát, thõng xuống, không thể nhấc lên.

S (Speech) – Nói: Người bệnh đột nhiên nói chậm, khó nói hoặc nói ra những câu vô nghĩa.

T (Time) – Thời gian. Thời gian cấp cứu là rất quan trọng với người bị đột quỵ. Bạn cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Cần đưa người bệnh đi cấp cứu càng sớm càng tốt

2. Ghi nhớ thời điểm cơn đột quỵ khởi phát

Người bị đột quỵ thường được chỉ định dùng một loại thuốc làm tan cục máu đông gọi là tPA, hoặc chất kích hoạt plasminogen mô. Các loại thuốc này có khả năng làm tan cục máu đông, khơi thông mạch máu não và ngăn chặn các triệu chứng đột quỵ tiến triển phức tạp hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này chỉ có tác dụng trong vòng 4,5 giờ kể từ khi bệnh khởi phát.

Ngoài phương pháp sử dụng thuốc, người bệnh cũng có thể được thực hiện liệu pháp tiên tiến hơn là điều trị nội mạch, chẳng hạn như phẫu thuật loại bỏ cục máu đông, sửa chữa phình động mạch,… Phương pháp điều trị nội mạch cần được thực hiện trong vòng 24 giờ kể từ khi cơn đột quỵ khởi phát. Điều trị đột quỵ càng sớm, hiệu quả càng cao.

Như vậy, việc ghi nhớ thời điểm những triệu chứng đột quỵ đầu tiên xuất hiện là rất quan trọng. Với thông tin này, các bác sĩ có thể nhanh chóng đưa ra quyết định điều trị phù hợp nhất.

3. Thực hiện hồi sức tim phổi nếu cần thiết

Hồi sức tim phổi là tổ hợp các thao tác cấp cứu bao gồm ấn lồng ngực và hô hấp nhân tạo với mục đích đẩy lượng máu giàu oxy tới não. Hầu hết bệnh nhân đột quỵ không cần hồi sức tim phổi. Tuy nhiên, nếu người bệnh bất tỉnh, bạn hãy kiểm tra mạch đập và nhịp thở của người bệnh. Trong trường hợp không tìm thấy những dấu hiệu này, hãy thực hiện hồi sức tim phổi cho người bệnh trong thời gian chờ xe cấp cứu đến.

3 việc không nên làm với người bị đột quỵ

1. Cho người bệnh đi ngủ

Sau khi hồi phục, nhiều người bị đột quỵ cho biết, vào thời điểm cơn đột quỵ khởi phát, họ đột nhiên cảm thấy rất buồn ngủ nên đã đi ngủ, khi tỉnh dậy thì thấy mình đã ở trong bệnh viện.

Tuy nhiên, chúng ta không nên để người bệnh đi ngủ vì việc ngủ sẽ lãng phí “thời gian vàng” để điều trị đột quỵ. Thay vào đó, hãy đưa người bệnh tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Không nên cho người bị đột quỵ đi ngủ trước khi cấp cứu

Không nên cho người bị đột quỵ đi ngủ trước khi cấp cứu

2. Cho người bệnh ăn hoặc uống

Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu não cục bộ và đột quỵ do xuất huyết não. Theo thống kê, có hơn 80% số ca đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu não cục bộ, những trường hợp này thường được điều trị bằng thuốc chống kết tập tiểu cầu. Tuy nhiên, với những người bị đột quỵ do xuất huyết não, thuốc chống kết tập tiểu cầu có thể làm máu chảy nhiều hơn, hậu quả của bệnh sẽ càng nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, khi chưa biết rõ tình trạng bệnh là gì, bạn đừng cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào. Bạn cũng không nên cho người bệnh ăn bởi đột quỵ có thể ảnh hưởng đến khả năng nhai nuốt, khi đó, người bệnh sẽ dễ bị nghẹn, nôn.

3. Tự lái xe đưa người bệnh đến bệnh viện

Cấp cứu đột quỵ cần nhanh chóng. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc kỹ việc tự lái xe đưa người bệnh đến bệnh viện. Nếu người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thì việc nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở cấp cứu là điều cần thiết. Trong quá trình vận chuyển cần tránh hết sức tình trạng xóc nảy, có thể khiến bệnh nghiêm trọng thêm. Tuy nhiên, với những người bị đột quỵ nặng và sống ở nơi giao thông thuận tiện thì bạn nên gọi xe cấp cứu bởi đội ngũ nhân viên y tế có thể bắt đầu điều trị ngay trên đường đến bệnh viện.

Leave a Comment