Họa từ miệng mà ra: 3 kiểu nói nhất định phải tránh nếu không muốn rước họa vào thân

todattn

Nếu là người khôn ngoan, chắc chắn sẽ không bao giờ cho phép mình sử dụng 3 kiểu nói này trong giao tiếp hằng ngày.

Tăng Quốc Phiên là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn dưới thời Vãn Thanh. Ông nổi tiếng bởi tài năng, đức độ của mình.

Năm xưa, Tăng Quốc Phiên có thói quen ngày nào cũng ghi nhật ký, tự kiểm điểm lại những lời nói và hành động của mình.

Vào một dịp nọ, Đậu Lan Tuyền, bạn của Tăng Quốc Phiên đến để thảo luận với ông. Sau đó, Tăng Quốc Phiên do chưa hiểu ý bạn nên đã có những lời không phải. Đây vốn là dịp trao đổi học vấn nhưng kết quả lại phản tác dụng khiến hai người đều rũ áo bỏ đi.

Lần khác, vào ngày 9 tháng 11 năm Quang Đạo thứ hai mươi hai (1842), Tăng Quốc Phiên đến nhà của Đại Vân chúc thọ. Hôm ấy là ngày vui nhưng Tăng Quốc Phiên lại ăn nói bất cẩn, khiến mọi người đều mất hứng và vội vã ra về sau bữa tiệc.

Sau này, ông đã kiểm điểm lại bản thân và tự đặt ra luật “cấm nói nhiều” cho chính mình. Đây cũng là một trong những lý do giúp ông đạt đến đỉnh cao sự nghiệp và trở thành “thánh nhân” được người đời ca tụng.

Như người xưa cũng đã nói: “Họa từ miệng mà ra”, “Con người ta mất 2 năm để học nói nhưng mất cả đời để học im lặng”, ý muốn răn mọi người thận trọng trong cách ăn nói.

Dưới đây là 3 kiểu nói mà từ ngàn xưa, cổ nhân đã dạy mọi người không nên nói ra, tránh tai họa về sau.

1. Lời nói ác ý

Tăng Quốc Phiên thường khuyên răn con cái phải làm người tử tế, bất kể là ăn nói hay hành xử đều phải chừa cho chính mình một đường lui.

Hãy tích “khẩu đức” nhiều hơn và tôn trọng mọi người, làm vậy không chỉ là khoan dung với người khác mà còn là bao dung với bản thân. Ngoài ra, hãy học cách kiềm chế, chớ nói ác làm ác.

Người xưa có câu: “Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn.” Tức là thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng.

Sức sát thương của một câu nói ác ý cũng không kém hơn một quả bom nguyên tử trên phương diện tinh thần.

Diễn viên Nguyễn Linh Ngọc từng viết trong di thư của mình như sau: “Tôi chết đi không có gì nuối tiếc, duy chỉ sợ người đời bàn tán.”

Tác hại mà những câu nói ác ý mang lại là điều mà chúng ta không bao giờ lường trước được. Vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ kĩ trước khi nói và tránh những lời làm tổn thương người khác.

2. Lời nói hàm hồ

Phàm là người sống ở trên đời, cần phải học cách sống sao cho thật rõ ràng, bất kể là lời nói hay là việc làm. Đừng nói xằng bậy hay tự ý thêu dệt về những điều bạn không biết, bởi vì lời nói một khi đã thốt ra thì không thể thu hồi lại được.

Người xưa có câu: “Kẻ nói vô tâm, người nghe hữu ý.” Khi người khác nghe được những lời nói bậy bạ, không đúng sự thật, họ sẽ nghi ngờ phẩm chất của bạn và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh bản thân bạn trong mắt đối phương.

Không ai muốn gần gũi với những người ăn nói hàm hồ, bởi nào biết được lời của họ có mấy phần chân thực. Trong khi đó, những người nói năng rõ ràng, rành mạch không chỉ chứng minh cho trình độ EQ cao mà còn khiến người khác ngày một thêm tin tưởng.

3. Lời phàn nàn, than vãn

Trong cuộc sống, chúng ta dễ bắt gặp những người phàn nàn, họ luôn than vãn về bản thân cũng như người khác. Trên thực tế, phàn nàn là việc vô ích và hoàn toàn không có tác dụng trong việc giải quyết vấn đề.

Không ai muốn nghe bạn phàn nàn và ngược lại, chính chúng ta cũng không muốn nghe những lời than thở từ người khác. Bởi nghe quá nhiều những lời nói này sẽ khiến tâm trạng của bạn sẽ trở nên tồi tệ hơn và rơi vào vòng xoáy của năng lượng tiêu cực.

Người luôn phàn nàn và than vãn thì ý chí không kiên định và khả năng chịu áp lực cũng vô cùng kém.

Những người như vậy mỗi khi gặp rắc rối thường chỉ biết kêu ca và liên tục kiếm cớ, đổ tại cho thời thế bất công khiến bản thân phải chịu đau khổ. Điều này rất dễ khiến bạn trở thành một người lười biếng và yếu đuối.

Vì vậy, hãy dừng ngay thói quen phàn nàn nếu có thể. Thay vào đó, hãy ngẫm xem lại tại sao bản thân lại gặp phải thất bại? Có giải pháp nào cho vấn đề này không? Lần sau ta có thể làm tốt hơn không? Đó mới là những gì chúng ta cần làm mỗi khi gặp khó khăn.

Hãy ngẫm lại những lời mình đã nói và suy nghĩ thật kỹ cho những gì đang nói, đừng để những lời mình chuẩn bị nói ra khiến người khác mất hứng, khó chịu hay thậm chí là nổi giận, gây thù chuốc oán.

Đừng quên rằng, mỗi người chúng ta đều nên cân nhắc tới sức ảnh hưởng của lời nói. Mỗi một câu nói ra, dù tử tế hay ác độc cũng sẽ đều sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của chúng ta, chỉ có điều chúng sẽ ảnh hưởng theo những cách hoàn toàn khác nhau. Lựa chọn là ở bạn!

Leave a Comment