Nhân sinh tại thế: Làm được 3 chữ “lười” ɴàʏ thì cuộc sống ắt an nhàn, sung túc

todattn

Trên đời có hai loại lười biếng: một loại là tay chân không siêng năng; còn một loại là thái độ cuộc sống bình thản an nhiên, “lười” toan tính…

Người lười biếng có phúc của người lười biếng, học cách biết “lười biếng” để được nhàn nhã an vui âu cũng là một cách sống vậy.

Không cùng đẳng cấp, hãy “lười” tranh luận

Trong “Kinh Thánh” có một câu nói như thế này: “Hãy mau chóng đồng ý với người phản đối con”.

Đối mặt với sự nghi ngờ và trêu chọc của những người xấu tính, phản ứng đầu tiên của chúng ta luôn là bất mãn, tức giận, ăn miếng trả miếng, trở thành một sự phản xạ có điều kiện. Trên thực tế, làm như vậy chính là đang mắc bẫy của đối phương, họ đã chuẩn bị từ trước một cú phản đòn mạnh hơn để đáp trả bạn.

Nếu như lười tranh luận, xem họ không là gì cả, thì mọi tấn công của họ đều trở thành vô ích hết, như vậy họ chỉ còn lại sự thất vọng mà thôi.

Có một vị thiền sư có đạo hạnh rất cao thâm, gặp phải một tên vô lại. Người này muốn thỉnh giáo Phật pháp của thiền sư, nhưng nói chuyện một lúc lại quay ra nhục mạ thiền sư. Thấy thiền sư không nói một câu nào, người này cảm thấy chửi bới cũng không còn gì thú vị gì, cuối cùng đành phải dừng lại.

Thiền sư hỏi anh ta: “Nếu anh tặng một món đồ cho người khác, người khác không nhận, vậy món đồ đó sẽ là của ai?”

Anh ta vô cùng đắc ý nói rằng: “Đương nhiên vẫn là của tôi rồi”.

Thiền sư lại nói: “Những lời anh chửi mắng tôi lúc nãy, tôi không nhận lấy, vậy bây giờ là của ai?” Người này vô cùng hổ thẹn nhưng lại không thể nào phản bác được.

Cảnh giới cao nhất của sự lương thiện giống như tính dung hòa của nước, bởi vì nước không cần phản đòn, không cần đọ sức mà lại có thể hóa giải được tất cả các tranh chấp. Người thực sự có phúc là người có đặc tính của nước, không mang tâm thái tranh đấu, “lười biếng” tranh biện với người không cùng đẳng cấp, từ đó thoát khỏi những chuyện rắc rối phiền phức, có được sự thanh tĩnh dài lâu.

Khôn quá hóa mệt, “lười” toan tính sẽ vui

Có người nói rằng: niềm vui của một người không nằm ở chỗ người đó sở hữu được nhiều thứ bao nhiêu, mà nằm ở chỗ người đó toan tính ít đi bao nhiêu.

Người khôn lanh bất cứ lúc nào cũng không quên toan tính, tưởng rằng chuyện gì cũng được lời, nhưng thật ra chuyện gì cũng bị thiệt. Con người quá khôn lanh cũng là một sự bất hạnh, những gì nối đuôi nhau kéo tới sẽ là vô số phản đòn từ người khác. Trên đời này không có ai là ngốc cả, bạn khôn lanh bao nhiêu thì đối phương sẽ toan tính bấy nhiêu, bạn mưu tính như thế nào thì đối phương sẽ đề phòng như thế đó.

Lòng người không chịu nổi sự nghi ngờ, một khi trong lòng bạn đã khởi lên sự nghi hoặc thì chắc chắn chỉ có thể đổi lại tình cảm giả dối mà thôi.

Người lười toan tính, nhìn bề ngoài tưởng là bị mất mát rất nhiều nhưng thật ra trong lòng họ không để ý đến những tổn thất nhỏ nhặt đó, trong lúc để người khác chiếm lợi ích của mình, cũng đồng thời khiến người khác phải nợ ân tình của mình. Trên đời này mắc nợ cái gì cũng dễ trả, chỉ có mắc nợ ân tình là khó trả, bởi lẽ không thể chặt đứt được mối nhân duyên ân tình trong đó. Do đó, người độ lượng sẽ lười toan tính chuyện hơn thua được mất, nhưng bù lại họ luôn có được các mối quan hệ tốt, bên cạnh họ không thiếu những người bạn sẵn sàng mạo hiểm vì mình.

Cổ ngữ có câu: “Hữu ý trồng hoa hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu liễu lại xanh.”  Cưỡng cầu không có kết quả tốt, thuận theo tự nhiên mới là có phúc, đừng nhắm vào những lợi ích nhỏ trước mắt, thứ có giá trị lớn nhất chính là lòng người, là sự thản nhiên bên trong nội tâm của mình.

Người dung tục tự tìm phiền toái, “lười” tức giận tâm ắt an nhiên

Có người nói rằng, con người khi đến tuổi trung niên, nếu như không có sự hiểu biết và tu dưỡng nhất định, thì nhìn cái gì cũng thấy có vấn đề, dễ bị phân tâm vào những chuyện vặt vãnh không đáng kể. Càng là người tầm thường thì nhìn thấy con người và sự việc chướng tai gai mắt lại càng nhiều, bất cứ chuyện nhỏ gì cũng có thể khiến họ tức giận.

Thêm nữa,  chính vì chỉ nhìn thấy toàn những chuyện vặt vãnh, bị những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống bám lấy nên mới càng ngày càng trở nên tầm thường. Nếu không hiểu được nguyên nhân hệ quả này, sẽ khiến những cảm xúc tiêu cực không ngừng quấy rối cuộc sống của mình. Giống như một chuyên gia tâm lý từng nói: “Mỗi một đòn tấn công được tạo ra từ cơn giận dữ của chúng ta, đến cuối cùng tự nhiên sẽ rơi vào chính chúng ta.”

Tục ngữ dân gian có câu: “Cả giận mất khôn”, thông thường khi người ta tức giận thì mọi lý trí đều sẽ bị dẹp sang một bên, những lời nói trong lúc đang tức giận đều không phải thật lòng, những hành vi việc làm trong lúc tức giận cũng chỉ là để làm thỏa mãn cơn nóng giận, những hệ quả do nó mang lại chính là điều khó giải quyết nhất!

Tương truyền trong thư phòng của Lâm Tắc Từ – Viên quan chính trực danh tiếng của triều đại nhà Thanh, có treo một bức tranh chữ, trên đó có hai chữ: “Chế nộ”, chế nộ nghĩa là kiềm chế cơn giận dữ.

Tức giận không thể giải quyết được vấn đề, nó chỉ làm vấn đề trở nên phức tạp hơn mà thôi, đồng thời sẽ phạm phải nhiều sai lầm hơn nữa. Cảm xúc và hành vi của con người là một sự thống nhất, trong lúc đang tức giận thì không thể nào nói được những lời dịu dàng, và hành động cũng không thể thỏa đáng. Chỉ có loại bỏ ngọn lửa sôi sục trong lòng thì mới không có ý trách móc người khác. Giữ tâm thái phẳng lặng như nước thì mới có thể nhìn nhận sự việc một cách khách quan và không mang theo thành kiến.

Chuyện gì cũng so đo tính toán sẽ rất mệt mỏi, lo nghĩ quá nhiều sẽ rất phiền muộn, người luôn toan tính mọi chuyện thì chỉ biết oán trách người khác, nói cho cùng, người quá “siêng năng” rất dễ tự hành hạ mình vì những chuyện không đâu, cho dù đó đều là những điều có thể tránh được, chỉ cần lười toan tính một chút, bớt tâm cơ một chút, thản nhiên nhìn cuộc đời, làm mọi việc mà trong tâm không có bất cứ động cơ và tính toán gì, mới là thế gian tự tại.

Leave a Comment