3 thói quen xấu tổn hại cuộc đời trẻ, cha mẹ cần nhìn xa trông rộng để kịp thời sửa dạy con

todattn

Cha mẹ từng trải sự đời, thấy trước đâu là những thói quen xấu thì nên nhắc nhở con ngay, trước khi quá muộn.

Tuổi thơ là thời gian tốt nhất để trau dồi cho trẻ những thói quen tốt, và cũng là lúc con dễ học phải những thói quen xấu. Không quá lời khi nói rằng những thói quen xấu có thể hủy hoại cuộc đời một con người. Với sự từng trải, nhiều kinh nghiệm sống trên đời, cha mẹ nên nhắc nhở con sớm mới tốt cho cuộc đời con.

1. Làm việc chậm và không có khái niệm thời gian

Trẻ chậm chạp khác với những trẻ hay trì hoãn, lười nhác, không biết lo lắng, không có khái niệm thời gian. Nếu là trẻ chậm chạp cha mẹ chỉ cần giúp con rèn luyện, khắc phục yếu kém. Nhưng với trẻ trì hoãn, đó là thói xấu của trẻ cần được nhắc nhở để trẻ bỏ ngay.

Thói xấu làm việc trì hoãn sẽ ảnh hưởng đến học tập trước mắt, lâu dài là con đường tiến thân của con, công việc của con, cả hạnh phúc gia đình của con. Với những đứa trẻ không có khái niệm thời gian, con cũng sẽ khó sắp xếp tốt cuộc sống của mình, hay tự tay mình để vuột mất cơ hội.

Để giúp trẻ điều chỉnh vấn đề trì hoãn, trước hết cha mẹ phải tìm ra nguyên nhân, trong cuộc sống gia đình thì phải làm gương, không được mắc phải vấn đề trì hoãn, lười biếng trước mặt con, lập cho con thời gian biểu và theo sát con thực hiện mỗi ngày.

2. Không vâng lời, luôn nói lại

Trẻ em thích nói lại và không vâng lời được xem là một đứa trẻ hư, không được người khác yêu thích, thậm chí cả cha mẹ đôi lúc còn khó chịu, ghét bỏ thói xấu này của con.

Nhiều bậc cha mẹ thiếu thời gian uốn nắn nên chọn cách dỗ dành hoặc bỏ qua. Kết quả là ngày càng trở nên tồi tệ hơn, con không chỉ nói lại, hỗn hào khi ở nhà mà cả bên ngoài như người lớn trong họ hàng, cô giáo ở lớp… Lớn lên con quen thói cứng đầu, thích cãi lại sẽ khiến công việc và các mối quan hệ dễ gặp nhiều mâu thuẫn, khó tiến thân.

Cha mẹ nên chân thành lắng nghe lý do con cái không vâng lời, đồng thời nhất định không bỏ qua khi con trả treo. Dạy dỗ bằng lời nói và sự kiên nhẫn cho đến khi con thôi nổi loạn.

3. Độc đoán, ích kỷ và thô lỗ

Một đứa trẻ độc đoán, ích kỷ và thô lỗ lúc nhỏ sẽ trở thành một “kẻ chẳng ra gì” khi lớn lên. Để hình thành nên một đứa trẻ ích kỷ, thô lỗ có thể xuất phát từ sự chiều chuộng quá mức của gia đình, hoặc từ một gia đình thiếu thời gian dạy dỗ con cái, để mặc sức con lộng hành, để con lớn lên và học thói xấu từ xung quanh mà chẳng ai nhắc nhở.

Cha mẹ nên hướng dẫn con cái thoát khỏi tâm lý “tự tôn”, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, biết chia sẻ và yêu thương, đối xử tử tế, lịch sự. Chia sẻ và yêu thương là một kiểu tiềm lực được xây dựng khi trẻ học hỏi từ nhỏ và sẽ giúp trẻ có được chỗ đứng trong xã hội tương lai, mang lại lợi ích cho trẻ trong suốt cuộc đời.

Việc rèn luyện thói quen tốt cho trẻ, nhắc nhở con bỏ thói quen xấu là điểm mấu chốt trong việc giáo dục con cái của các bậc cha mẹ. Dạy con không chỉ để con sống tốt mà còn vì tương lai, thành công và hạnh phúc cả đời của con.

Leave a Comment