Người quân tử không hành động tuỳ hứng, không truy cầu tuỳ tiện, không nói năng mập mờ

todattn

Thánh nhân nổi tiếng của phương Đông là Khổng Tử đúc kết rằng người quân tử phải dưỡng thành 5 đức tính: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong đó “Nhân” (tức nhân hậu, nhân đức) được coi là trung tâm của các đức tính khác. Người có “nhân” cũng chính là bậc quân tử . 

Cái đức nhân của quân tử thể hiện cụ thể ra sao? Chúng ta đang ở cách xa thời đại của Khổng Tử tới hơn 2500 năm, tư tưởng và cách lý giải sự việc tất là có nhiều khác biệt. Thế nhưng, những giá trị mang tính phổ quát về người quân tử thì qua hàng nghìn năm vẫn còn nguyên giá trị…

Muốn hiểu quân tử là gì, ta phải truy về nguồn gốc Hán tự của nó. Chữ “quân” viết là 君, gộp từ bộ khẩu (口) ở dưới và bộ doãn (尹) ở trên. “Khẩu” là lời nói, “doãn” là chỉ chức quan đứng đầu một địa phương (như: phủ doãn).

Ban đầu, nghĩa hẹp của từ “quân tử” là để chỉ tầng lớp quan lại xuất phát từ kẻ sĩ, trí thức Nho học được hoàng đế giao quyền cai trị dân chúng. Lần lần về sau, nội hàm của chữ này được mở rộng thêm ra, quân tử thường là cách xưng hô trọng thị với những người hiền năng, có đạo đức vượt trên người bình thường.

Bản thân chữ “doãn” (尹) còn có một nghĩa nữa là: thành tín, đáng tin. Như thế, “quân tử” có thể hiểu một cách rất nôm na là: người nói lời đáng tin. Quả thực, người quân tử thường rất biết giữ tín nghĩa, chữ Tín theo họ đến hết đời.

Quân tử không hành động tùy hứng

Cổ nhân nói: “Quân tử bất vọng động, động tất hữu đạo”, ý nói rằng quân tử không hành động mù quáng, khi hành sự đều có đạo lý. Họ là những người có tính kỷ luật cao, biết kiềm chế dục vọng, luôn hướng nội, tự sửa mình. Hành động của người quân tử thì đoan chính, lỗi lạc, quang minh, trước khi động thủ đều cân nhắc kỹ lợi hại, khi đã làm thì trước sau thủy chung như một. Tiêu chuẩn của họ cũng rất cao, việc làm đều chiểu theo nhân nghĩa, quyết không làm chuyện lợi mình hại người, ảnh hưởng xấu đến đại cục.

Điều này khác hẳn với kẻ tiểu nhân chỉ cầu trục lợi cho mình, bất chấp hành vi thủ đoạn. Kẻ tiểu nhân vốn không có đạo ở trong lòng, không có đường biên giới hạn, nên có thể làm chuyện xằng bậy, gây điều thị phi mà không cảm thấy đắn đo nhiều.

Quân tử không truy cầu tùy tiện

Người xưa dạy: “Quân tử bất cẩu cầu, cầu tất hữu nghĩa”, ý là quân tử không truy cầu tùy tiện, cầu điều gì cũng đều là làm theo việc nghĩa. Nghĩa chính là điểm phân biệt lớn nhất giữa quân tử và tiểu nhân. Quân tử trọng nghĩa, còn tiểu nhân thì hám lợi.

Khổng Tử nói: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa không làm thì không phải kẻ dũng). Người quân tử có dũng khí lớn bởi họ luôn làm việc nghĩa, không ngại xả thân mà hành hiệp trượng nghĩa, cứu khốn phò nguy.

Quan Vũ là một anh hùng nổi tiếng thời Tam Quốc. Ông được người đời nhớ đến nhiều nhất bởi chữ “nghĩa” này. Chuyện kể rằng, khi Lưu Bị bị Tào Tháo đánh bại, Quan Vũ đơn thương độc mã cầm quân chống trả, bị vây tứ bề, định tìm cái chết. Tào Tháo mến tài, cho người dụ hàng ông. Quan Vũ khẳng khái đề ra 3 điều kiện, trong đó có nói nếu biết Lưu Bị ở đâu thì sẽ từ biệt Tào công, đến tìm anh mình bằng mọi giá. Tào Tháo chấp nhận.

Khi về dưới trướng Tào Tháo, Quan Vũ rất được ân sủng. Tào Tháo sai người mang mỹ nữ, vàng bạc đến thưởng cho ông, ông không nhận. Tào Tháo thưởng chiến bào, tặng ngựa quý Xích Thố, Quan Vũ cũng không động lòng. Tào Tháo đãi Quan Vũ “3 ngày một tiệc nhỏ, 5 ngày một tiệc lớn”, lại cấp ấn phong hầu, ân sủng hết mực. Thế nhưng khi nghe được tin Lưu Bị đang ở Hà Bắc với Viên Thiệu, Quan Vũ nhất quyết từ tạ ra đi, không gì cản nổi, qua 5 ải chém 6 tướng, đi vào lịch sử như một tấm gương về nghĩa khí, trung nghĩa.

Quân tử không nói năng mập mờ

Lời nói của người quân tử có sức nặng tựa như cửu đỉnh. Có câu: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” là vậy. Do đó, trước khi nói, họ đều dùng lễ để kiềm chế cảm xúc của mình. Họ không nói lời thị phi, gây thương tổn, gây mâu thuẫn, ức chế hay phẫn nộ.

Người quân tử luôn giữ được thái độ khoan hòa, ăn nói chừng mực, không phát ra lời thị phi, chỉ nói những điều nên nói. Họ cũng tôn trọng cảm xúc của người nghe, lời nói ra còn có sự an ủi, hòa ái. Người nghe được cảm thấy dễ chịu, đồng tình, cảm thấy được tôn trọng.

Cổ ngữ có một câu rất hay: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. ‘Người khôn’ ở đây cũng có thể hiểu là người quân tử, người biết lễ nghi giao tiếp vậy!

Hàng nghìn năm trước, Khổng Tử đã nói: “Cỏ chi lan mọc ở rừng sâu, không vì không có người biết đến mà không thơm. Quân tử tu Đạo lập Đức, không vì khốn cùng mà thay đổi tiết tháo”. Người quân tử dù rơi vào bất kể cảnh huống nào cũng đều giữ được khí chất và cái tâm vững như bàn thạch của mình. Ấy âu cũng là cái đạo lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của cổ nhân. Khi tâm bất động thì mọi sự bên ngoài đều không thể chạm đến mình. Người ta sẽ không còn phải vui, buồn, hờn, giận, oán, ghét trong những thứ cảm xúc bị ngoại vật dẫn động.

Quân tử, bàn rộng ra là một khái niệm nói mãi cũng chưa chắc tỏ tường. Nhưng có một điều chắc chắn rằng đó không chỉ là một hình mẫu lý tưởng của xã hội xưa. Con người hiện đại quay cuồng trong vật chất, công nghệ, tranh giành và áp lực… đã sớm đánh mất đi những khí chất quân tử đầy khí phách của mình. Ngẫm ra, mục đích sống của người ta có lẽ chính là làm thế nào để tìm lại con người quân tử chân chính ấy của mình, tìm lại những viên ngọc quý đã bị bụi mờ thời gian phủ kín…

Leave a Comment